Di tích Nam Ô

Đình Xuân Dương

Năm 1946, nơi đây được chọn là khu vực bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của một vùng rộng lớn bắc huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu bây giờ.

Ngôi đình nằm ngay dưới những gốc cây cổ thụ rợp bóng. Nhìn phía trước, mái đình có phần tiền đường được làm theo kiểu "chồng rường giả thủ" (các rường cột chồng lên nhau) được chạm trổ hoa văn cầu kỳ. Giữa các con rường, ngoài hai trụ đội được chạm trổ cầu kỳ đặt ở hai đầu để liên kết với các con rường khác, còn có các hình tượng hoa lá và con vật như chim, dơi... Đây là kiến trúc của lần đại tu năm 1937. Nơi đây được chọn làm nơi thờ cúng khoảng thế kỷ XVII đời vua Lê Chân Tông nhưng đơn sơ bằng tranh tre. Đến năm Thành Thái thứ 12 - 1900 mới xây lại bằng vật liệu vôi và đá, kết cấu sườn gỗ. Trong sổ ghi chép còn lưu trong đình có mô tả khi xây đình làng, người dân đã đào được những phiến đá Chăm cổ dưới nền móng. Vì không biết người xưa làm vật thờ cúng gì, có linh thiêng hay không, để tránh mạo phạm dân làng đã đặt để phía ngoài sân đình. Lần trùng tu năm 2004 làng vẫn dùng lại cây đòn dông khắc dòng chữ Hán: "Bảo Đại Đinh Sửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật cát nhật Xuân Dương xã bổn xã cẩn tạo" (dịch nghĩa: từ lần trùng tu thứ ba năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại).

Năm 1964, vùng núi sau lưng đình (vốn liền một dãy từ gành đá mỏm Hạc tới bờ sông Cu Đê. Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc làm đường bộ, đường sắt, một đoạn núi bị san ủi). Một công ty của Hoa Kỳ thỏa thuận với chính quyền muốn mua đứt hòn núi ấy để lấy vật liệu làm sân bay Đà Nẵng. Lúc bây giờ đình làng vừa được người dân góp tiền trùng tu xong. Mấy cụ trong làng nhờ ông Xã Thái (vốn là người có tiếng nói khắp vùng, trước làm quan thời Bảo Đại, là người có học biết cả tiếng Pháp lẫn Hán Nôm) nghĩ cách giữ lại ngôi đình. Ông Xã Thái bỏ ra 110 đồng thuê thợ mộc giỏi làm ra bức hoành phi có hai chữ "Tổ quốc" mang đặt lên nơi cao nhất của đình. Vì ông nghĩ nếu ngôi đình của làng mà thờ Tổ quốc thì ai cũng phải "kiêng" đụng tới.[9]

Lăng Ông Ngư

Cá Ông hay cá Ông Voi là tên mà dân vạn chài thường gọi đối với cá voi.[3] Cá Ông có thân hình to lớn, hiền lành thường cứu mạng ngư dân khi bị tai nạn đắm thuyền trên biển, nên dân vạn chài coi như một vị thần của biển cả, các vua nhà Nguyễn, tôn vinh là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần". Khi cá Ông lụy (cá Voi chết), dân vạn chài chịu tang như đối với người thân của mình. Chính vì vậy, dọc theo bờ biển của Việt Nam, từ Thanh Hóa đến Kiên Giang, hầu hết các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng.

Ở Nam Ô hiện có một lăng thờ cá Ông với tên gọi lăng Ông Ngư. Lăng có từ nhà Nguyễn, được xây bằng gạch, có ba gian và một hậu tẩm, nơi lưu giữ hàng chục bình gốm tráng men chứa cốt Ông. Hằng năm, từ 14 - 16 tháng 2 Âm lịch, ngư dân Nam Ô tổ chức lễ hội cầu ngư. Từ xa xưa, cứ mỗi khi phát hiện "Ông lụy" dạt vào bờ, cả dân làng nghinh Ông (đón) đưa vào bờ rồi tổ chức tẩm liệm, để tang, chôn cất. Người đầu tiên phát hiện "Ông lụy" được vinh dự bịt khăn vải điều, đội nồi hương đi trước đám tang. Sau 3 năm chôn cất, dân làng cải táng, xương cốt rửa bằng rượu, cho vào hủ sành để vào lăng thờ cúng, gọi là "Ngọc cốt". Ngày cúng giỗ là ngày tống táng "Ông lụy", khi đó dân làng tề tựu đến lăng cúng bái thành kính, cầu sóng yên bể lặng...[10]